Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Thứ hai - 12/08/2024 02:52

Để xây dựng, thực hiện, tái đầu tư sản xuất, nâng cấp, nhân rộng các mô hình sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với hỗ trợ vay vốn cho người nông dân, tạo đà giúp kinh tế tập thể vươn lên, phát huy hiệu quả.

Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề

Xác định đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho hội viên là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dạy nghề. Qua đó, hoạt động này giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu và ổn định cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, hội đã xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần dạy những điều nông dân cần, hướng đến học viên là người đồng bào DTTS, các lớp mở ngay tại thôn, buôn dưới hình thức cầm tay chỉ việc.

Ngoài những ngành nghề nông nghiệp như: kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, nuôi trồng và nhân giống nấm, hội còn mở rộng nhóm ngành phi nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu hội viên, như nghề kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp.

Bên cạnh đó, hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa, thực hành kỹ thuật ủ chua dự trữ thức ăn xanh và chế biến phối trộn thức ăn cho bò; cách xử lý rơm rạ, phế thải nông nghiệp đem ủ làm phân bón cho cây trồng thông qua Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện môi trường…

Bà Trương Thị Điệp ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) cho biết: Các lớp đào tạo nghề được mở tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chúng tôi. Tham gia lớp học này, ngoài tiếp thu những kiến thức chung về phát triển chăn nuôi, nắm được quy trình phòng bệnh trên heo, bò, vệ sinh môi trường chăn nuôi, sử dụng vắc xin, thuốc điều trị bệnh, nông dân chúng tôi còn biết được các phương pháp lựa chọn và lai tạo một số giống heo có khả năng cho thịt cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề và được hỗ trợ vốn, nhiều hội viên nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, vươn lên phát triển kinh tế. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi dê ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NGỌC HÂN

Đồng hành tiếp sức cho nông dân

Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, thông qua đào tạo nghề, người dân vùng đồng bào DTTS được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, giúp hội viên, nông dân có việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, hội còn chú trọng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như: chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX.

“5 năm qua, các cấp hội nông dân đã phối hợp tổ chức hơn 700 lớp nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề cho gần 20.000 hội viên nông dân. Sau thời gian đào tạo, trên 80% nông dân có việc làm ổn định, phát huy nghề đã học và được địa phương công nhận thoát nghèo; hàng trăm hộ trở thành hộ khá, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, sau khi tham gia các lớp nghề, rất nhiều người được các cấp hội hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đây, gia đình anh Ma Bua ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) thả nuôi 4 con dê giống. Nhờ áp dụng kiến thức đã được học từ lớp nghề, anh chăm đàn dê phát triển tốt, tăng đàn đều đặn, đến nay duy trì ổn định hơn 30 con, trong đó phần lớn là dê cái sinh sản. Anh Ma Bua chia sẻ: “Nghề nuôi dê có thu nhập cao hơn so với làm rẫy. Một năm dê đẻ 2 lứa, 1 con mẹ có thể đẻ 1 hoặc 2 con sau 6 tháng nuôi, bán với giá từ 1,8-2 triệu đồng/con, đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm”.

Còn ông Hồ Đình Anh ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) phấn khởi cho biết: Sau khi học nghề, tôi và 5 hộ khác được hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để chăn nuôi heo. Trong thời gian nuôi, được hội vận động và hướng dẫn các bước, chúng tôi đã đứng ra thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi heo thịt với 6 thành viên. Hiện các thành viên trong tổ hội đều đầu tư xây chuồng trại kiên cố, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/hộ/năm.

Có thể thấy, hiệu quả của các hoạt động đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho người nông dân đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên.

“Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các chương trình, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tranh thủ những nguồn hỗ trợ từ tỉnh, trung ương xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”, ông Huỳnh Văn Dũng khẳng định.

Nguồn tin: Ngọc Hân BPY:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thư viện hình ảnh
iconlichcontac
nong san PY
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay6,394
  • Tháng hiện tại52,460
  • Tổng lượt truy cập953,779
lienhe
hoi dap
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây