Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

Thứ tư - 12/08/2020 03:48
 
Mô hình trồng Mít Thái da xanh của Hội Nông dân xã An Xuân mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
  
       Thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) ở huyện Tuy An được nông dân tích cực hưởng ứng và ngày càng phát triển. Qua đó nhân lên tinh thần, ý chí quyết tâm thoát nghèo và làm giàu chính đáng của từng hội viên, nông dân trong huyện.
     Hỗ trợ sinh kế cho hội viên
     Theo ông Lê Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, thông qua phong trào Nông dân SXKDG, hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ nhiều hội viên nông dân trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây con giống, cung ứng phân bón… Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ nông dân.
    Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trong sản xuất, ông Lê Xuân Viện ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 100% giá trị cây giống và 50% phân bón để chuyển đổi mô hình trồng cây sầu riêng trên 1ha đất canh tác của gia đình với hơn 200 gốc. Ông Viện phấn khởi: “Khi được hỗ trợ cây giống, tôi mừng lắm. Nhờ cán bộ hội hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách bón phân, tưới nước để giữ ẩm nên vườn cây đang phát triển tốt. Chúng tôi hy vọng vài năm nữa vườn sầu riêng sẽ cho ra trĩu quả”.
     Năm 2017, xét thấy hoàn cảnh gia đình bà Phan Thị Hà (thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây) khó khăn, Hội Nông dân huyện Tuy An hỗ trợ 1 con bò giống trị giá hơn 30 triệu đồng để bà Hà nuôi. “Từ khi nhận được bò giống, tôi bắt tay vào làm chuồng, cải tạo phần đất cằn phía sau nhà để trồng cỏ cho bò ăn. Sau gần 3 năm, bò mẹ đã đẻ ra bê con. Nếu không được giúp đỡ, hướng dẫn cách làm chuồng trại và tiếp cận được nguồn vốn vay để làm ăn thì gia đình tôi không thể nào thoát nghèo”, bà Hà chia sẻ.
     Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An Lê Văn Nam cho biết: “Đây là những mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, giúp hội viên khó khăn. Ngoài tặng bò cho hộ nghèo, hỗ trợ cây giống cho hội viên, chúng tôi còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ hội và các ngân hàng. Riêng trong năm 2019, có 6.755 lượt hộ hội viên được vay hơn 270 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn này, nhiều gia đình nông dân đã đầu tư sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo”.
     Nhiều mô hình hiệu quả
     Đến nay, toàn huyện cơ bản đã xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo; nhiều gia đình đầu tư đúng hướng, làm ăn có hiệu quả, trở thành nông dân SXKDG các cấp.
     Bà Lê Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân, cho biết: Hiện 6 chi hội nông dân của xã có 590 hội viên tham gia sinh hoạt. Với ưu thế đất đai rộng lớn, phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, xã An Xuân xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế; trong đó tập trung chuyển đổi sang cây ăn quả như trồng mít, bơ, sầu riêng, chuối và chăn nuôi bò, heo… Hội đã thành lập được 7 tổ tiết kiệm và vay vốn, kết nối cho hàng trăm hộ vay với tổng dư nợ hơn 22 tỉ đồng. Điển hình như hộ ông Lê Thành Nam ở thôn Xuân Bình, được hỗ trợ 100 gốc cây mít thái da xanh giống. Sau 2 năm, vườn mít của ông đã cho thu hoạch quả; trung bình mỗi vụ, ông Nam thu nhập khoảng 50 triệu đồng. “Mít dễ trồng và dễ chăm sóc, giá khoảng 25.000-30.000 đồng/kg cũng có lời. Tôi đang mở rộng diện tích cây mít, dự tính khi cây 16 tháng tuổi sẽ có trái, 20 tháng sẽ thu hoạch vụ đầu. Tôi sẽ sản xuất theo hướng hữu cơ, kết hợp lấy lá mít để nuôi dê an toàn sinh học, vừa nâng cao năng suất vừa bảo vệ môi trường”, ông Nam nói.
     Năm 2015, Hội Nông dân huyện triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm tại xã An Mỹ và những hộ đăng ký tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống và thức ăn. Tận dụng đất vườn xung quanh nhà để chăn nuôi và trồng trọt, anh Kiều Văn Đức ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ đã gầy dựng thành công mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong hồ xi măng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đức cho hay: “Gia đình tôi được hỗ trợ 400 con chình giống thả nuôi trong diện tích 180m2. Sau 2 năm nuôi kết thúc, thấy mô hình nuôi chình bông đạt hiệu quả kinh tế cao nên tôi tiếp tục mở rộng. Hiện tại, cá chình được thương lái mua với giá từ 450.000-500.000 đồng/kg, bình quân thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm”.
     Trong 5 năm (2015-2020), qua bình xét, toàn huyện có 11.570 hộ nông dân đạt SXKDG các cấp có mức thu nhập bình quân 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Hội Nông dân huyện Tuy An cũng đã xây dựng 22 tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo liên kết trong sản xuất, kinh doanh; vận động nông dân hiến 10.000m2 đất mở đường, đóng góp 29 tỉ đồng và 33.020 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn với chiều dài 61,5km; thực hiện chương trình thắp sáng đường quê với chiều dài 42km, lắp đặt 3.873 bóng đèn thắp sáng…
                                                                                                                                   Khánh Vy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thư viện hình ảnh
iconlichcontac
nong san PY
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,576
  • Tháng hiện tại61,345
  • Tổng lượt truy cập607,125
lienhe
hoi dap
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây