Liên kết chuỗi giá trị từ cây sắn giúp nông dân thoát nghèo

Thứ ba - 05/12/2023 20:39
Ban Phát triển dự án an sinh xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) vừa phối hợp với Công ty CP TTP Phú Yên tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trồng sắn hom đứng và thảo luận liên kết chuỗi giá trị sắn cho hơn 40 hộ tại xã Hòa Hội.
 
Nông dân xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) phấn khởi với mô hình trồng sắn hom đứng cho năng suất cao. Ảnh: NGỌC HÂN
 
Sau hơn 10 tháng thực hiện mô hình trên diện tích 2ha với giống sắn KM94 tại thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội cho năng suất và thu nhập cao, các đơn vị đã thống nhất nhân rộng mô hình này vào vụ 2024 tới.
 
Giúp nông dân phát triển kinh tế
 
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, Trưởng ban Phát triển dự án, mô hình trồng sắn hom đứng thuộc dự án Đa dạng hóa sinh kế tại xã Hòa Hội do Công ty CP TTP Phú Yên tài trợ thực hiện từ năm 2020, nhằm giúp các hộ bị ảnh hưởng bởi nhà máy điện mặt trời với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng.
 
Ông Trường cho hay: Riêng mô hình trồng sắn hom đứng được triển khai từ tháng 1/2023 trên diện tích 1ha tại thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, được Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân hỗ trợ kỹ thuật và theo dõi giám sát trong quá trình thực hiện. Hội thảo tổng kết mô hình mới đây đã giúp người dân thấy được hiệu quả kinh tế mô hình đem lại; đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc chăm sóc và phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá sắn do virus gây hại để áp dụng trong điều kiện thực tế của từng hộ trồng.
 
Ông Thân Văn Đương (thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội), một trong những hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết: “Sau khi được hỗ trợ quy trình kỹ thuật mới, tôi thấy trồng hom đứng năng suất cao gần gấp đôi so với trồng hom nằm. Với đơn giá thu mua trung bình hiện nay là 3,58 triệu đồng/tấn và chi phí trồng sắn hom đứng cao hơn trồng sắn hom nằm 4 triệu đồng/ha thì chênh lệch thu nhập giữa trồng sắn hom đứng cao hơn trồng sắn hom nằm gần 68 triệu đồng/ha. Sang vụ tới, tôi quyết định nhân rộng toàn bộ diện đất trồng sắn của gia đình theo kỹ thuật trồng hom đứng”.
 
Theo lời ông Bùi Văn Thạch (thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội), ông cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sắn, tuy nhiên trồng theo cách truyền thống năng suất thấp. Việc tham gia mô hình sinh kế do xã tổ chức giúp ông tiếp cận nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, từ khâu làm đất, bón phân đến cách trồng.
 
“Vừa qua, tôi thu hoạch 1ha sắn trồng hom đứng mà dự án chuyển giao, năng suất đạt rất cao, hơn 49 tấn/ha, trong khi trồng hom nằm chỉ đạt khoảng 29 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Đây là kết quả mà tôi chưa từng nghĩ đến”, ông Thạch phấn khởi nói.
 
Tiếp tục định hướng nhân rộng
 
Bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội cho biết: Trồng sắn hom đứng là mô hình mới, được áp dụng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Những năm qua, sâu bệnh hại sắn xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Riêng năm 2023, nhiều diện tích sắn lân cận đều bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, sản lượng và sự phát triển của cây sắn. Thế nhưng phần diện tích sắn mà dự án triển khai vẫn phát triển rất tốt.
 
Theo bà Hoa, toàn xã hiện có 460ha diện tích đất trồng sắn. Lâu nay bà con chưa chú trọng khâu chọn giống, ít bón phân chuồng và chưa bón phân đúng kỹ thuật. Với kết quả khả quan ban đầu, địa phương thống nhất nhân rộng mô hình trồng sắn hom đứng vào vụ tới. Để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị giữa các hộ trồng sắn, xã đã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng sắn tại thôn Nhất Sơn; đồng thời liên kết với Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân để bao tiêu sản phẩm.
 
Ông Đặng Khắc Hiên, cán bộ kỹ thuật, Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân chia sẻ, để trồng sắn đạt hiệu quả kinh tế cao, khi chọn giống bà con phải lấy hom giống ở những cây đủ già, đặc ruột, sạch sâu bệnh, nhặt mắt, cây phát triển tốt, có đường kính cây trên 1,5m; chặt thành đoạn hom dài từ 15-20cm, đảm bảo có từ 4-5 mắt trở lên, tránh làm tổn thương lớp vỏ. Sau khi chặt hom, bà con đem trồng ngay, khi trồng cắm hom thẳng đứng, phần cắm xuống đất chiếm khoảng 1/3 chiều dài hom.
 
“Hiện nay, nỗi lo lớn của bà con nông dân là khi được mùa là mất giá, mất mùa lại được giá. Vụ tới, các hộ tham gia mô hình trồng sắn hom đứng sẽ được Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân hỗ trợ về mặt kỹ thuật và 1 triệu đồng/ha, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản lượng sắn theo giá thị trường”, ông Hiên khẳng định. 
 
Địa phương rất chú trọng việc sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Trong đó, mô hình trồng sắn hom đứng thuộc dự án Đa dạng hóa sinh kế do Công ty CP TTP Phú Yên tài trợ thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
 
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội
 
(Theo baophuyen.vn)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thư viện hình ảnh
iconlichcontac
nong san PY
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,747
  • Tháng hiện tại61,516
  • Tổng lượt truy cập607,296
lienhe
hoi dap
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây