Hiệu quả từ mô hình sản xuất meo nấm rơm
Những năm gần đây, nông dân huyện Phú Hòa đã tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để trồng nấm rơm tăng thu nhập. Trong quy trình làm nấm rơm, meo là thành phần không thể thiếu, chất lượng của nấm rơm tốt hay xấu phụ thuộc vào chất lượng của meo. Muốn sản xuất meo có chất lượng cao đòi hỏi người sản xuất meo giống phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và trang thiết bị máy móc cần thiết.
Với mong muốn tạo ra meo nấm rơm chất lượng cao, cung cấp cho bà con nông dân ở địa phương và bán ra thị trường, từ năm 2020, anh Nguyễn Thái Khương, sinh năm 1992, ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa đã bắt tay nghiên cứu công nghệ sản xuất meo nấm có chất lượng và phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu vùng, miền.
Công nhân đang xử lý phôi làm meo nấm
Trước khi có được thành công, anh Khương đã mất nhiều năm để học tập kinh nghiệm, đăng ký tham gia các lớp dạy nghề làm meo, mua thêm sách kỹ thuật nông nghiệp, vừa làm vừa nghiên cứu để đúc rút kinh nghiệm. Hiện cơ sở của anh có khả năng cung cấp ra thị trường từ 2 đến 3 nghìn bịch meo nấm rơm mỗi ngày. Ngay sau khi có được thành phẩm đạt chất lượng, anh Khương đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các thiết bị, máy móc chuyên dụng cho dây chuyền sản xuất meo như máy cắt rơm, máy đóng bao, lò hấp, hồ ngâm rơm, phòng nuôi cấy meo,... Nhờ đó, thương hiệu meo nấm rơm của gia đình anh từng bước lan rộng.
Anh Khương cho biết, nhờ meo nấm rơm của gia đình có chất lượng cao nên sức tiêu thụ mạnh, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Hiện meo nấm rơm của gia đình không chỉ được cung cấp cho người trồng nấm tại địa phương mà còn tiêu thụ mạnh ở các địa phương khác.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, anh Khương thuê khoảng 10 lao động, bình quân thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng/người. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh Khương có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng. Mô hình làm meo nấm rơm của anh Khương không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình mà còn giúp tạo thêm việc làm thời vụ cho người lao động tại xã Hòa Trị. Từ đó, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ hộ sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương, anh Nguyễn Thái Khương đã kiên trì và thành công trong việc nghiên cứu sản xuất meo nấm rơm. Không những tạo đột phá kinh tế gia đình, anh Khương còn góp phần nâng nghề sản xuất nấm rơm của địa phương thành công việc có thu nhập tốt, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Anh Khương là một trong những nông dân tiêu biểu, xứng đáng để hội viên nông dân học tập và noi theo.
Nhờ nhanh nhạy trong sản xuất, biết học tập và mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên gia đình anh Nguyễn Thái Khương đã đạt hiệu quả kinh tế từ mô hình làm meo nấm rơm. Anh là một trong những nông dân tiêu biểu được địa phương tuyên dương và mô hình làm meo nấm rơm của anh cũng được huyện công nhận là sáng kiến.