Kết quả 05 năm thực hiện chương trình phối hợp nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh
Kết quả thực hiện Chương trình phối hợp có mục đích tạo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hình ảnh mô hình “Tuyến đường hoa Nông dân” tại thôn Phú Hội, xã Xuân Phước
Trên cơ sở chương trình của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh xác định thực hiện tiêu chí môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp của các cấp Hội. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, kịp thời tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tích cực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa” với phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", phong trào “Trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp”. Nhằm tăng cường sự tham gia của Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân trong tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến tài nguyên môi trường, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, tham gia phát hiện và giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn nông thôn.
Kết quả trong 05 năm (2018 - 2023) các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân trồng được hơn 16 nghìn cây xanh; tổ chức 96 lớp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với 4.620 lượt người dự; 896 lớp tập huấn, tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, với 53.902 lượt người dự. Các cấp Hội phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương thực hiện chương trình, đề án, dự án Bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu như đề án: Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm thời gian thực hiện góp phần nâng cao khả năng của chính quyền địa phương và cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu; các dự án Chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho cộng đồng ở vùng đất dốc và đất ngập lụt vùng ven sông Kỳ Lộ; Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số - huyện Đồng Xuân; Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, huyện Tuy An, Phú Yên (nguồn vốn tài trợ Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam),…;
Tiến sĩ Võ Anh Khuê - Giảng viên Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thùng ủ rác hữu cơ cho cán bộ, hội viên tại phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu
Mô hình tiêu biểu Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, hình thành một số mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm điển hình nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản như: Mô hình sản xuất thịt lợn sạch liên kết với Công ty TNHH thương mại Vi Long; mô hình sản xuất rau sạch liên kết với Công ty TNHH nông nghiệp sạch Mầm Xanh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng liên kết với Công ty TNHH Đắc Lộc ở thị xã Sông Cầu; mô hình trồng ngô sinh khối để cung cấp thức ăn cho bò sữa của Công ty Công nghệ cao Phú Yên; mô hình nuôi cua lột ở huyện Đông Hòa; mô hình cây cao su, cây lâm nghiệp, cây ăn quả kết hợp kinh doanh nhà máy sơ chế cao su và mô hình trồng cây mắc ca ở huyện Sông Hinh; mô hình sản xuất Lạc VietGap gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm...
Ban Thường vụ tỉnh Hội đã phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh tổ chức thực hiện xây dựng 06 mô hình điểm và phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt, lồng ghép hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần cho 06 đơn vị với số lượng 420 cán bộ, hội viên nông dân và xây dựng mô hình điểm khu sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường. Tháng 10/2024, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức 02 hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực, nhận thức của người dân về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và xây dựng 02 mô hình hướng dẫn thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho cán bộ, hội viên nông dân gắn với tiêu chí nông thôn mới tại xã An Cư, huyện Tuy An và phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa.
Thông qua các hoạt động trong chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, đã đem lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân về công tác bảo vệ môi trường; nhiều mô hình về công tác bảo vệ môi trường bước đầu cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi ý thức về hành vi, thói quen xấu tác động tiêu cực đến môi trường; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân và phát triển bền vững. Góp phần giải quyết vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nên diện mạo mới ở nông thôn./.
Nguồn tin: Minh Nguyên