HĐND tỉnh thông qua 07 Nghị quyết quan trọng
Sáng 20/2, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 25 (kỳ họp chuyên đề đầu tiên của năm 2025) để kịp thời giải quyết một số nội dung cấp thiết, quan trọng thuộc thẩm quyền. Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thanh Đồng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Quang cảnh kỳ họp
Tham dự kỳ họp có đồng chí Tạ Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Hoàn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ban thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo trình bày báo cáo thuyết trình các nội dung trình kỳ họp
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo tiền đề để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau sắp xếp, UBND tỉnh Phú Yên có 13 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (giảm 06 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh); 09 chi cục và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn, 74 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn sau sắp xếp có: 77 phòng chuyên môn và tương đương (12 Văn phòng Sở, 10 Thanh tra Sở, 55 phòng chuyên môn nghiệp vụ), giảm 36 đầu mối bên trong, đạt tỷ lệ 18%. Tổng số biên chế công chức là 942 biên chế.
Giám đốc Sở Nội vụ thảo luận làm rõ phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%. Theo đó, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và một số chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh tại Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 8%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 375 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.900 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 25.800 tỷ đồng.
Để tạo nguồn lực, động lực, năng lực mới góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8%, đề nghị UBND tỉnh bổ sung 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực gồm: Khơi thông nguồn lực và thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo động lực mới cho phát triển; điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh xuất khẩu; thu ngân sách nhà nước; tăng trưởng tín dụng; chuyển đổi số, công nghệ số.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết HĐND tỉnh
HĐND tỉnh cũng biểu quyết thông qua 05 Nghị quyết quan trọng khác, đó là: Nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 nguồn phân bổ sau (đợt 1); Nghị quyết phân bổ kế hoạch năm 2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên; Nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2025; Nghị quyết quy định cho phép người sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trong Khu công nghệ cao không phải hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được Nhà nước bố trí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Nghị quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh được thực hiện trong bối cảnh cả nước đang tích cực, quyết tâm và khẩn trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua, hoàn thành chậm nhất ngày 21/02/2025 để sớm ổn định, đảm bảo hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền được thực hiện liên tục, thông suốt, không bỏ sót nhiệm vụ, không bị gián đoạn, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của xã hội, của người dân trên tinh thần các cơ quan sau sắp xếp, kiện toàn, thực sự được “nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn”.
Đối với các cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính cần lưu ý, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn. Cần phải thông báo công khai thông tin theo quy định, hạn chế thấp nhất việc yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp hoặc phải thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp.
HĐND tỉnh cũng kêu gọi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà chung sức, đồng lòng, tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển, khơi thông các “điểm nghẽn”, “nút thắt” để đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, đồng bộ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành, chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là trong giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn của người dân và doanh nghiệp… phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra, tạo nền tảng vững chắc để đưa Phú Yên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới phát triển bền vững, toàn diện.
Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, tên gọi sau hợp nhất là Sở Tài chính. Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, tên gọi sau hợp nhất là Sở Xây dựng; đồng thời, chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Sở Giao thông vận tải sang Công an tỉnh. Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tên gọi sau hợp nhất là Sở Nông nghiệp và Môi trường; đồng thời, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, tên gọi sau hợp nhất là Sở Khoa học và Công nghệ; đồng thời, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Công an tỉnh. Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ, tên gọi sau hợp nhất là Sở Nội vụ. Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng thời, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Công an tỉnh; chuyển chức năng chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ. Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh. Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông. Sở Tư pháp chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp sang Công an tỉnh. Thanh tra tỉnh giữ nguyên. |