Giúp nông dân đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Thứ hai - 01/08/2022 23:17
Tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên, nông dân.
 

 
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm cơ sở sản xuất Bột ngũ cốc Faimy 9 (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa). Ảnh: NGỌC HÂN
Nhiều mô hình hiệu quả
 
Nhận thấy diện tích đất trồng lúa một vụ của gia đình nhiều năm sản xuất không hiệu quả, ông Đỗ Văn Quý (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) đã chủ động chuyển đổi sang trồng các loại rau màu như: khổ qua, bắp, é trắng, xà lách, hành lá. Trong đó, cây hành được ông Quý áp dụng những kỹ thuật trồng mới như lên luống bằng máy, tưới nước bằng ống phun… nên giảm chi phí đầu tư, mang lại thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
 
Theo ông Quý, bình quân mỗi năm cây hành trồng được từ 3-4 vụ, năng suất từ 800-1.000kg/sào. Với giá bán 15.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi thu được 3-4 triệu đồng/sào/vụ. “Để trồng hành hiệu quả, tôi dùng các loại phân bón DAP, NPK và chia ra 3 lần bón sau khi trồng khoảng 12 ngày, 20 ngày và 28 ngày. Khi thu hoạch xong, tôi cày ải, phơi đất gần 1 tháng mới trồng lại để hạn chế mầm bệnh gây hại cho cây hành vụ sau. Mô hình trồng hành được nhiều hộ dân trong xã áp dụng theo và đã mở rộng từ 1 sào lên 6 sào/hộ, nâng diện tích trồng hành của xã lên hơn 20ha”, ông Quý chia sẻ.
 
Mô hình trồng cây ăn trái áp dụng hệ thống tưới bằng béc phun tự động cho giá trị kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, được nhiều người biết đến. Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn rộng 12.000m2 với hơn 650 cây trồng các loại như: mít thái, cam, bưởi da xanh…, ông Sơn cho biết: “Trước đây, do thiếu kinh phí nên gia đình chưa mạnh dạn đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp vườn hợp lý. Năm 2019, sau khi xã triển khai mô hình vườn mẫu NTM và được hỗ trợ vốn, tôi đã tự thiết kế cải tạo vườn tạp cũ, trồng mới vườn cây ăn trái, trang bị hệ thống tưới bằng béc phun tự động và áp dụng quy trình kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn. Mỗi năm, vườn mẫu NTM này cho lợi nhuận gần 300 triệu đồng, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
 
Không chỉ hộ ông Quý, ông Sơn mà những năm gần đây, việc nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất ngày càng phổ biến. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ cao đem lại thu nhập cao hơn như hộ ông Trần Ngọc Phú (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) thu nhập 400 triệu đồng/năm; hộ ông Đặng Ngọc Phú (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng...
 
Tiếp tục nhân rộng
 
Theo Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, Tỉnh hội xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai xuống các cấp hội; đồng thời bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ theo hướng cầm tay chỉ việc.
 
“Hiện nhiều mô hình, các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật được triển khai thực hiện như: ủ phân hữu cơ; ủ chua dự trữ thức ăn xanh và chế biến phối trộn thức ăn cho bò; kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học; kỹ thuật phòng trị bệnh trên trâu, bò… giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, nhân công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân”, ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh cho biết.
 
Bà Lương Thị Huỳnh Triểm, chủ cơ sở sản xuất Bột ngũ cốc Faimy 9 (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) cho biết: Trước đây, sản phẩm bột ngũ cốc của gia đình tôi làm thủ công được nhiều người sử dụng khen và nhu cầu sử dụng ngày càng cao. Được Hội Nông dân và Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ, hướng dẫn, tôi đầu tư mua thiết bị, máy móc, thiết kế bao bì sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch, hoàn thành các thủ tục pháp lý, kiểm định chất lượng sản phẩm… Bột ngũ cốc Faimy 9 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng rộng mở tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh”.
 
Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, hội nông dân các cấp tiếp tục vận động các nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT; tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ liên kết sản xuất gắn với định hướng tạo đầu ra cho nông sản ở các địa phương.
 
Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngoài các định hướng mang tính đột phá mà tỉnh đề ra thì yếu tố “người nông dân kiểu mới” đóng vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển của ngành Nông nghiệp… Để làm được điều này, các hộ nông dân cần áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất chứ không theo kiểu đơn lẻ, mang tính cá nhân như lâu nay.
 
Ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh
 
(Theo baophuyen.vn)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thư viện hình ảnh
iconlichcontac
nong san PY
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay3,362
  • Tháng hiện tại55,928
  • Tổng lượt truy cập836,608
lienhe
hoi dap
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây